Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định: Nơi lưu giữ và lan tỏa ký ức lịch sử
VHO- Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tại TP.HCM vừa chính thức đi vào hoạt động. Trong dịp lễ 2.9 này, nơi đây đã chào đón đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Mỗi hiện vật tại Bảo tàng là một câu chuyện kể sống động, gần gũi mà cũng đầy tính chất huyền thoại của lực lượng Biệt động Sài Gòn ngày ấy.
Đại biểu đến tham quan Bảo tàng dịp lễ Quốc khánh 2.9.2023
Bảo tàng duy nhất về lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định
Tọa lạc tại số 145 Trần Quang Khải, quận 1, TP.HCM, Bảo tàng trước đây thuộc Nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn hoạt động dưới vỏ bọc là cơ sở đóng mới xích lô và gia công đồ nội thất cho Dinh Độc Lập. Tại đây có 7 bộ sưu tập (BST) hiện vật quý giá gắn liền với lực lượng Biệt động, gồm: BST các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; BST những chiếc xe các chiến sĩ Biệt động đã dùng để đi lại, hoạt động; BST vũ khí; BST vật dụng gắn liền với quá trình hoạt động, sinh hoạt của lực lượng Biệt động Sài Gòn; BST dụng cụ đồ nghề sản xuất của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) trong vỏ bọc nhà thầu khoán Dinh Độc Lập; BST thiết bị thông tin liên lạc… Đặc biệt và duy nhất chỉ có ở Bảo tàng là BST hầm bí mật và BST phương tiện đi lại để hoạt động cách mạng của các chiến sĩ Biệt động ngày ấy.
Tại Bảo tàng, lịch sử của Biệt động Sài Gòn - Gia Định hiện lên sống động qua lược đồ được xây dựng trên tấm bản đồ xưa. Lần đầu tiên, hình ảnh tổng quan về mạng lưới và cách thức hoạt động đầy bí ẩn của lực lượng huyền thoại này được hiện hữu đầy đủ và rõ nét qua hệ thống các hầm chứa vũ khí, hầm ém quân được xây dựng ngay trong lòng địch để phục vụ cho các trận đánh và cho Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 bi hùng.
Cùng với tấm bản đồ là các màn hình tương tác thông minh để khách tham quan tra cứu hình ảnh, dữ liệu về các chiến sĩ và chiến công huyền thoại của Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Không chỉ góp phần lưu giữ ký ức lịch sử, với tấm lòng biết ơn vô hạn, một Bức tường Tưởng niệm được xây dựng trang trọng trong không gian ấm cúng của Bảo tàng để tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Để có được Bảo tàng ngày hôm nay là cả một hành trình dài… Gia đình Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai đã miệt mài tìm kiếm, chuộc lại và phục dựng những căn nhà, những căn hầm, những kỷ vật từng ghi dấu quá trình hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Với lòng kiên trì bền bỉ và sự hỗ trợ của các ngành chức năng liên quan, ngày 21.6.2023, Sở VHTT TP.HCM thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND TP đã ký cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Di tích hiện là điểm đến văn hóa lịch sử được yêu thích của TP.HCM, đặc biệt là các bạn trẻ và du khách nước ngoài, là chuỗi các di tích vệ tinh của Nhà Truyền thống lực lượng vũ trang TP.
Mỗi hiện vật là một câu chuyện sống động về lực lượng Biệt động Sài Gòn huyền thoại
Thiết chế văn hóa ngoài công lập có ý nghĩa đặc biệt
Với tinh thần gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống đấu tranh anh hùng cách mạng của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định nói riêng và lực lượng vũ trang Thành phố nói chung, gia đình Anh hùng LLVTND, chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai đã dày công sưu tầm, khôi phục, bảo quản và trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên quan đến quá trình hoạt động, chiến đấu của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM chia sẻ: “Đây là bảo tàng ngoài công lập thứ sáu ở TP.HCM. Sự ra đời của Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định không chỉ là niềm vui của gia đình Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai mà còn là niềm vui chung của ngành văn hóa tại TP.HCM và cả nước”.
Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM Lê Tú Cẩm bày tỏ, đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, gắn với lực lượng Biệt động Sài Gòn lừng lẫy một thời… Có thể nói, bảo tàng là sự tiếp nối truyền thống gia đình. Thân sinh của anh Trần Trọng Nghĩa (Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định) là ông Trần Vũ Bình (con trai của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai) rất tâm huyết với các địa điểm Biệt động Sài Gòn. Và em của anh Nghĩa là bé Trần Trọng Nhân (12 tuổi) cũng tham gia công tác thuyết minh khi có khách tham quan Bảo tàng. Cả gia đình tâm huyết, có niềm tin sắt son để giữ gìn di sản lịch sử, lưu giữ những hiện vật về Biệt động Sài Gòn.
Anh Trần Trọng Nghĩa bày tỏ: “Ông nội tôi cùng các đồng đội đã góp phần viết nên những trang sử hào hùng trên mảnh đất này. Đến thời ba tôi, được sự giúp sức, đồng hành của CLB Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang - Biệt động và Hội Di sản văn hóa và Bộ Tư lệnh Thành phố đã nỗ lực phục dựng lại các di tích để xây dựng nên Bảo tàng. Ý thức được trách nhiệm của mình, thế hệ trẻ chúng tôi nguyện tiếp tục làm cho những trang sử oai hùng ấy luôn được tô thắm”.
Đại tá Trần Đức Thơ, Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định chia sẻ: “Các di tích của Biệt động Sài Gòn hình thành góp phần giáo dục truyền thống lâu bền, là địa chỉ để các cơ quan đơn vị đến tổ chức lễ kết nạp Đảng và được giao lưu nói chuyện với nhân chứng lịch sử…”.
Anh Nghĩa cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, song song với việc tiếp tục tìm kiếm, sưu tầm hiện vật, Bảo tàng sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện trên định hướng Bảo tàng thông minh. Toàn bộ dữ liệu sẽ được số hóa; bên cạnh đó cũng mở ra cơ hội, cho phép sử dụng các công cụ hiện đại như hình ảnh 3D, VR (thực tế ảo) và AR (tăng cường thực tế) để tái hiện lại các sự kiện quan trọng và không gian liên quan đến Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Việc số hóa sẽ lan tỏa và giúp các thế hệ trẻ kết nối, hiểu nhiều hơn về di sản lịch sử của cha ông.
Việc TP.HCM có thêm một bảo tàng không chỉ góp phần lưu giữ và lan tỏa ký ức lịch sử về Biệt động Sài Gòn mà còn giúp cho lớp trẻ, người dân trong và ngoài nước hiểu thêm về công lao to lớn của các thế hệ đi trước trong việc đấu tranh và giành độc lập, thống nhất đất nước. Sự ra đời của Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định là thành quả của quá trình bền bỉ phục hồi di tích cũng như hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan của những người tâm huyết cho sự nghiệp giữ gìn di sản văn hóa dân tộc và truyền thống kháng chiến.
ANH HUY